- Trang chủ
- Giới thiệu
- Tin tức - Sự kiện
- Khoa học công nghệ
- Triển khai và dịch vụ
- Cơ sở vật chất
- Thư viện ảnh
Liên kết website
Số người truy cập: 1151236 Số người online: 112 |
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU VIỆN CÔNG NGHỆ XẠ HIẾM NĂM 2024
Đoàn đến thăm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại khu di tích Mường Phăng cách Thành phố Điện Biên 40km ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dưới chân núi Pú Đồn, là cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên tôi được lên thăm Điện Biên Phủ, địa danh với chiến thắng "lừng lẫy năm chân, chấn động địa cầu" khiến tôi hào hứng vô cùng, tôi tranh thủ hít thở, tận hưởng khí hậu trong lành của khu rừng nguyên sinh mà người dân bản địa đã gìn giữ bảo vệ, và thêm phần bồi hồi xúc động, hiểu rõ hơn về tinh thần chiến đấu ngoan cường của các anh bộ đội cụ Hồ, thêm yêu vị Đại tướng, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy,.… Điều đặc biệt hơn chính là được nghe chị hướng dẫn viên du lịch là người đồng bào Thái thuyết minh. Qua các câu chuyện chị kể, bài thơ chị đọc, chất giọng của chị tôi như cảm nhận được tình dân tộc, sự gắn bó của dân và quân ta trong những năm tháng chiến đấu anh dũng, hào hùng đã tạo nên chiến thắng của quân đội Việt Nam năm xưa đánh bại kẻ thù xâm lược, chiến thắng đó không thể thiếu sự đóng góp của đồng bào dân tộc nơi đây. Những bài học đó càng thôi thúc chúng tôi tiếp tục rèn luyện để trở thành các đảng viên tiên phong, gương mẫu, noi theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm đến tiếp theo của đoàn đã đến dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên cứ điểm đồi D1. Đây là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là minh chứng hùng hồn cho sự bất diệt, tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Sau đó, Đoàn đã đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ. Nghĩa trang được xây dựng năm 1958 nằm cách di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam. Nơi đây, mộ của các anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Trần Can và 644 ngôi mộ liệt sĩ được bố trí trang trọng tại khu vực trung tâm nghĩa trang. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Đoàn chúng tôi đã trân trọng đặt vòng hoa, dâng hương, thành kính bày tỏ lòng biết ơn, tri ân tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Những nén tâm nhang của cả đoàn lần lượt được thắp trên từng phần mộ các anh hùng, liệt sĩ người có tên, có tuổi và cả những phần mộ liệt sĩ chưa có tên như một lời tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi - những người may mắn được sống trong tự do, hòa bình và độc lập.
Không chỉ vậy, chúng tôi còn được tận mắt thấy gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Chị hướng dẫn viên đã góp phần tái hiện một cách sinh động, rõ nét cuộc chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta với 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử khiến ai cũng xúc động, bồi hồi. Đặc biệt nhất là bức tranh tròn Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” được ví như bản hùng ca về chiến tranh càng giúp các thành viên trong đoàn thêm trân quý những giá trị lịch sử cùng những hy sinh mất mát lớn lao từ các bậc cha anh. Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến năm 2024. Đây là bức tranh có quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 3 bức tranh tròn lớn nhất trên thế giới. Bức tranh đã đồng hiện những khoảnh khắc tiêu biểu, sự kiện điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tác phẩm được khởi công, thực hiện trong thời gian 9 năm (2013 -5/2022). Đây là công trình nghệ thuật đồ sộ với sự tham gia của gần 200 họa sỹ. Bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 3600. Bức tranh có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m. Phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hòa bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích 3.225m2. Hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc và sự hùng tráng, ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 được các họa sỹ khắc họa từ hàng nghìn tư liệu lịch sử được sưu tầm. Bức tranh đã khắc họa, thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh người xem. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Nhìn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, Đoàn đã đến thăm đồi A1 là trong số những cứ điểm phòng thủ chiến lược quan trọng của quân đội thực dân Pháp. Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh. Đến nay, đồi vẫn vẹn nguyên dấu tích hố Bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nhờ căn hầm cố thủ. Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre…. Đoàn chúng tôi đã dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Điểm đến cuối cùng của hành trình tại Điện Biên, Đoàn đã đến thăm hầm Đờ Cát - là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, nhưng sau 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân dân Việt Nam đã chiếm được căn hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm này. Chúng tôi được chia sẻ câu chuyện về sự kỳ công khi xây dựng với hàng rào phòng thủ là hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Và cũng chính nơi này, Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp bị bắt sống, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của quân và dân ta.
Có thể nói, chuyến đi đã khơi dậy và làm sáng lên giá trị Truyền thống, giá trị Nhân văn và đức hy sinh của các thế hệ người Việt Nam trong kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến, đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh vì nền độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc. Hành trình “về nguồn”, là bài học thực tế về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước đối với mỗi đảng viên, viên chức và người lao động Viện Công nghệ xạ hiếm. Đây cũng là dịp để các thành viên trong đoàn được giao lưu, học hỏi, tăng cường tình đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, hành động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau đây là một số hình ảnh hoạt động tiêu biểu của Đoàn:
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại
Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại
Nhà máy Thủy điện Sơn La
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại
Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại lán ở và làm
việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Đoàn dâng hương tại
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đồi A1 |
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại hầm Đờ Cát
Đảng ủy Viện Công nghệ xạ hiếm
THÔNG BÁO THỜI GIAN XÉT TUYỂN VÒNG 2 (14/11/2023)
KẾT QUẢ KIỂM TRA PHIẾU ĐĂNG KÍ VÒNG 1 (14/11/2023)
NGÀY KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ VIỆT NAM (22/05/2023)
SEMINAR KHOA HỌC ĐOÀN THANH NIÊN VCNXH (21/03/2023)