Đang Tải Dữ Liệu....
game java tai vo lam tai youtube Tubemate
LÀM VIỆC VỚI CÁC CHUYÊN GIA
08/10/2019 07:55
Viện Công nghệ xạ hiếm làm việc với các chuyên gia nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Công nghệ Hạt nhân lần thứ 13

  

Từ ngày 06 đến 14 tháng 8 năm 2019, Viện công nghệ xạ hiếm đã tiếp đón nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản và Liên Bang Nga, nhân dịp các chuyên gia tham dự Hội nghị Khoa học Công nghệ Hạt nhân lần thứ 13 tại Hạ Long, đồng thời thăm và làm việc tại Viện Công nghệ xạ hiếm. Các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, trong đó có những hướng nghiên cứu là thế mạnh hoặc là hướng nghiên cứu tiềm năng mà Viện Công nghệ xạ hiếm đã, đang và sẽ thực hiện.

Về hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ chùm điện tử trong xử lí các vấn đề môi trường, giáo sư Koichi Hirota, công tác tại Viện nghiên cứu phóng xạ tiên tiến Takasaki, thuộc Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia về phóng xạ và Quantum đã giới thiệu các kết quả đạt được trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ chùm điện tử trong giải quyết các vấn đề môi trường như xử lí loại bỏ dioxin, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs, SOx, NOx … trong khí thải của các nhà máy nhiệt điện hoặc khí thải nhà máy xử lí rác thải.

Về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất dược chất phóng xạ, TS. Tatsuya Suzuki - giám đốc Trung tâm đồng vị phóng xạ, TS. Hisayuki Suematsu và TS. Kazuyuki Takase - Khoa Kĩ thuật an toàn hệ thống hạt nhân, Đại học Công nghệ Nagaoka đã đề xuất nguyện vọng hợp tác cùng Viện Công nghệ xạ hiếm trong nghiên cứu về ứng dụng một số nguyên tố đất hiếm, urani và thori để tổng hợp dược chất phóng xạ mới. Hướng nghiên cứu tổng hợp dược chất phóng xạ là một hướng nghiên cứu mới mẻ, có nhiều tiềm năng và đang được phía khoa học Nhật Bản quan tâm.

Về lĩnh vực nghiên cứu sử dụng thiết bị phân tích ICP-QQQ-MS, TS. Shinichi Nakayama – Viện trưởng Viện nghiên cứu Fukushima, TS. Soichi Sato, Giám đốc Trung tâm phân tích Okuma và TS. Do Van Khoai, cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Fukushma đã mang đến những báo cáo có giá trị tại Hội nghị, trong đó cập nhật các nghiên cứu mới nhất sử dụng thiết bị phân tích ICP-QQQ-MS tại Nhật Bản. Đồng thời, các chuyên gia của Viện Fukushima đã thảo luận cơ hội hợp tác giữa hai Viện để tiến tới ký kết bản nghi nhớ MoU về đào tạo nguồn nhân lực trẻ của Viện Công nghệ xạ hiếm trong lĩnh vực phân tích các nhân phóng xạ khó xác định bằng thiết bị ICP-QQQ-MS, thiết bị phân tích ICP-QQQ-MS cũng là thiết bị phân tích hiện đại nhất mà Viện Công nghệ xạ hiếm mới được trang bị trong năm 2019, và đào tạo sau tiến sỹ tại Nhật Bản.

Về lĩnh vực đất hiếm, giáo sư Sergei Stepanov – Trưởng bộ môn đất hiếm, Trường Công nghệ hóa Medeleev – Maxcova đã trình bày các công nghệ phân chia các nguyên tố đất hiếm nhóm nhẹ, nhóm trung và nhóm nặng và chiết phân chia các nguyên tố riêng rẽ cũng như thực trạng sản xuất đất hiếm tại Liên Bang Nga. Cũng tại các buổi xeminar, giáo sư Stepanov đã giới thiệu về hướng nghiên cứu mới hiện tại của giáo sư cùng với các nghiên cứu sinh Việt Nam.

Các buổi làm việc với các chuyên gia đến từ các quốc gia và lĩnh vực nghiên cứu khác nhau đã được tổ chức lần lượt dưới sự điều hành của Viện trưởng Hoàng Nhuận cùng các Phó Viện trưởng và các cán bộ nghiên cứu chủ chốt. Hoạt động này nằm trong hướng thúc đẩy trao đổi khoa học giữa Viện Công nghệ xạ hiếm với các đối tác nước ngoài.

Kết thúc các buổi làm việc, các bên đều thể hiện thiện chí tích cực thúc đẩy hợp tác và trao đổi khoa học trong các hướng nghiên cứu thế mạnh và tiềm năng thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo, tổ chức xeminar, hội thảo khoa học và tìm các đối tượng nghiên cứu chung.

Ảnh các giáo sư Nhật Bản và Liên Bang Nga cùng lãnh đạo Viện CNXH tại Hội nghị KHCNHN toàn quốc 13

 

Ảnh buổi làm việc của chuyên gia Nga tại Viện Công nghệ xạ hiếm